13 tháng 9, 2015

Ngũ thường với nhà giáo


Nho giáo của Trung Quốc là một trong những nền giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đối với đất nước ta. Với lịch sử phát triển hơn 3000 năm, Nho giáo có một tầm ảnh hưởng quan trọng đến lịch sử phát triển của Trung Quốc. Nó là công cụ để duy trì, củng cố chế độ phong kiến Trung Hoa, và cũng là công cụ Trung Quốc dùng để thôn tính, đồng hóa các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, các tư tưởng Nho gia đa phần không còn phù hợp, như Tam cương (quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng), Tam tòng (gông xiềng đối với người phụ nữ khi cuộc đời người phụ nữ phải gắn liền với người cha, người chồng, người con)… nhưng trong đó, Ngũ thường vẫn mãi là một nét son của Nho gia mà chúng ta nên học hỏi.


Theo Nho gia, Ngũ thường là 5 cái đức cơ bản mà một con người nên có, đó là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Hiện nay, trong tình trạng đạo đức xã hội ngày càng đi xuống bởi nhiều ảnh hưởng tiêu cực, có thể Ngũ thường chính là một trong những chìa khóa quan trọng giúp chúng ta cải thiện đạo đức xã hội hiện nay. Tôi không nói những điều quá sâu rộng, trong giới hạn bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập về vấn đề Ngũ thường đối với một Nhà giáo.

Đứng đầu Ngũ thường là chữ Nhân. Nhân hiểu một cách đơn giản là lòng yêu người. Qua lòng yêu người đó, mới có thể đối xử với người như đối xử với chính bản thân mình “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (điều gì không muốn thì đừng làm với người khác, điều muốn thì làm cho người khác, điều đạt được giúp người khác đạt được).

Trước đây chúng ta ai cũng đã từng học qua với các thầy cô. Có đôi khi chúng ta thất vọng vì các thầy cô không công bằng, thiếu sự quan tâm, thấu hiểu… chúng ta mong muốn các thầy cô chia sẻ nhiều hơn, giảng dạy sinh động hơn, tạo nhiều cơ hội hơn cho chúng ta thể hiện… Vậy sau này khi chúng ta đứng lớp, hãy nghĩ đến những gì chúng ta thích, không thích ở những thầy cô của chúng ta để có thể giúp đỡ những sinh viên, học viên như chúng ta đã từng. Chúng ta có được kinh nghiệm, kĩ năng, vậy hãy hướng dẫn những người mà chúng ta giảng dạy để họ cũng có được những kinh nghiệm, kĩ năng như ta. Đó chính là cách mà một Nhà giáo thể hiện chữ Nhân.


Bên cạnh chữ Nhân là chữ Nghĩa. Nếu Nhân là cách mà ta đối xử với mọi người thì Nghĩa là cái mà ta luôn phải răn bản thân. Việc nghĩa là việc đúng, việc hợp lẽ phải, việc nên làm. Chữ Nghĩa nói rất rộng, rất khó giải thích, muốn làm được chữ Nghĩa thì cơ bản là “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu có không dâm ô, nghèo khó không trộm cướp, uy quyền không khuất phục).

Là một Nhà giáo trong xã hội hiện nay, vấn đề để giữ được cái tâm, giữ cho bản thân luôn ngay thẳng có thể nói không dễ, cũng không khó. Tránh được các cám dỗ của đồng tiền; không thay đổi, không làm trái với lương tâm khi khốn khó; trước chức quyền, quan hệ vẫn làm đúng với nguyên tắc. Những điều nói ra tưởng như đơn giản, căn bản ấy thì muốn thực hiện được đòi hỏi ở người Thầy, người Cô không chỉ cái tâm ngay thẳng mà còn là bản lĩnh, là lòng tin, và cả lương tri…

Với giới hạn của bài viết, tôi chỉ có thể phân tích chữ Nhân và chữ Nghĩa mà không thể nói thêm nhiều về Lễ, Trí, hay Tín. Lễ là cần cho giáo dục, xưa đến nay chúng ta đều nói “Tiên học lễ, hậu học văn”. Là một Nhà giáo, chúng ta càng phải có tính mô phạm, càng phải làm gương cho người học, nên giữ Lễ là một điều tất yếu “khắc kỷ phục lễ vi nhân” (thông qua lễ thực hiện đức nhân).

Trí không chỉ gói gọn trong kiến thức, kĩ năng, trí nói rộng ra là sự hiểu biết. Hiểu biết điều gì đúng, điều gì sai, điều gì nên, không nên làm. Vì vậy, một người nếu không biết đúng sai, phải trái, thì người đó đã thiếu đi chữ Trí, khó mà sống được. Trí cần thiết cho cuộc sống, còn Tín lại là rường cột của tất cả các mối quan hệ trong xã hội. Người đạt được chữ Tín sẽ có được lòng tin của mọi người, nếu bất tín, thì lời nói không có giá trị, không ai nghe theo. Cả Trí và Tín đều cần cho một nhà giáo chân chính.

Có lẽ cho dù xã hội, thời đại có thay đổi thì Ngũ thường vẫn luôn có một giá trị nhất định. Nhiều người hoặc quên đi, hoặc không coi trọng nhưng Ngũ thường vẫn luôn tồn tại. Tôi xin nhấn mạnh Ngũ thường không phải là cái thước đo để chúng ta xét đoán hay phán xét một con người, mà nó là con đường, là cái đích để chúng ta đi theo, để chúng ta hướng tới.

Tp.Hồ Chí Minh 22 tháng 6 năm 2015
Liên Quốc Đạt

3 nhận xét:

Cảm ơn bạn đã phản hồi, xin bạn không dùng lời lục tĩu, không bàn về tôn giáo, chính trị và các vấn đề nhạy cảm khác. Xin chân thành cảm ơn.