Trong một lần thuyết trình nhóm, một thầy có đặt câu hỏi làm tôi suy
nghĩ mãi: “Điều gì tạo nên hứng thú của người giảng viên”.
Câu hỏi đó khiến tôi trăn trở. Trong quá trình làm việc, tôi có cơ hội được
tiếp xúc với rất nhiều người thầy, người cô. Mỗi người có một cá tính, một cách
dạy khác nhau, qua đó ảnh hưởng đến kết quả học tập của học viên khác nhau
nhưng sau câu hỏi của thầy, tôi nhận ra một điểm chung của các thầy cô: những
thầy cô giảng dạy với sự hứng thú, say mê thì việc truyền đạt kiến thức luôn
hiệu quả hơn các thầy cô khác.
Nếu như nói động lực là xăng, là năng lượng để các nhà giáo không ngừng
tiến lên trên con đường giảng dạy thì đối với tôi, hứng thú như là dầu nhớt, là
chất bôi trơn giúp cho các thầy cô vượt qua những khó khăn, mệt mỏi, luôn hoạt
động tích cực trong công tác giảng dạy.
Có người ví von các nhà giáo như người nghệ sĩ trên bục giảng. Quả thật
vậy, bên việc truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, người giảng viên còn là người
truyền cho các học viên, sinh viên của mình cảm hứng, tình yêu, sự say mê đối
với đối tượng nghiên cứu. Qua đó, sẽ giúp cho người học có được động lực, hứng
thú, sự tự giác trong học tập hay nghiên cứu. Nhưng nếu một người thầy mà không
có hứng thú với chính công việc giảng dạy của họ thì liệu họ có thể truyền được
hứng thú cho người mà họ dạy hay không?
Hứng thú đối với một người dạy vô cùng quan trọng. Tôi vốn là một người
ít nói, không thích giao tiếp nhiều. Nhưng một người thầy đã nói với tôi khi
tôi đứng trên bục giảng, tôi rất khác, có lẽ tôi phù hợp đi theo con đường nhà
giáo… Tôi luôn suy nghĩ về những lời thầy nói. Tôi từng trợ giảng, đứng lớp,
hướng dẫn sinh viên ngoài thực địa trong các công tác chuyên môn. Bên cạnh đó,
tôi còn mở các lớp hướng dẫn Origami, Clay craft và Paper craft… Đối với một
người hướng nội như tôi thì những điều đó không dễ chút nào nhưng tôi đã làm
được. Có lẽ chính là nhờ niềm say mê và hứng thú.
Trước khi còn là sinh viên tôi hoạt động trong phòng Động vật thuộc bộ
môn Sinh thái Tài nguyên Sinh vật của trường ĐH. Khoa học Tự nhiên Tp.HCM.
Trong quá trình đó, tôi đi theo các thầy cô, anh chị học viên cao học, nghiên
cứu sinh khắp các vườn Quốc gia khu vực cao nguyên và Tây Nam bộ nên tôi có có
hội tiếp xúc nhiều với các giảng viên, cán bộ không chỉ trong nhà trường mà còn
trong cuộc sống.
Các thầy, các anh đã chia sẻ với tôi rất nhiều điều. Tôi nhớ về anh Sơn,
lúc tôi làm việc với anh thì anh đang là học viên cao học, anh lúc đó chuẩn bị
đi giảng dạy ở một trường cao đẳng. Anh sau khi ra trường đã làm rất nhiều
việc, từ điều tra đa dạng sinh thái các cơ quan cho đến trưởng nhóm bán hàng
của các tổ chức. Với kiến thức, kinh nghiệm của anh thì tìm một việc làm để
kiếm sống là không khó, nhưng khó là tìm được một việc mà bản thân anh yêu
thích. Sau nhiều năm đi làm ở bên ngoài, cuối cùng anh trở lại trường học lên
cao học và xin đi làm giảng viên. Anh nói vì anh thích công việc đi thực địa,
anh thích thiên nhiên, và anh thích giao tiếp với con người. Có lẽ, chính tình
yêu công việc đã đưa anh đến con đường giảng dạy, cũng như thầy…
Thầy Huy, thầy là người hướng dẫn cho tôi trong các năm đại học. Những
điều thầy chia sẻ rất nhiều, công việc, cuộc sống, nghiên cứu, tôn giáo… chính
những điều đó đã giúp tôi phát triển cái tâm, mở mang cái tầm. Trên hết, thầy
như là một đại diện cho hình ảnh của nhà giáo hiện đại: thân thiện, gần gũi,
quan tâm, nhiệt tình, và là chuyên gia trong lĩnh vực mà thầy nghiên cứu. Tôi
yêu thiên nhiên vì thầy yêu thiên nhiên, và thầy đã truyền tình yêu đó cho tôi
và các bạn. Làm việc với thầy, tôi cảm nhận thấy thầy thực sự hứng thú với công
việc, và chính sự say mê, hứng thú đó đã cuốn hút tôi, nó như là ngọn lửa, cháy
lên, lan tỏa. Nghe câu truyện về quá trình học tập, nghiên cứu của thầy, tôi
cảm nhận thấy trong đó là một sự không ngừng nỗ lực tiến lên, nhưng đằng sau sự
nỗ lực không ngừng đó chính là tình yêu với công việc, với đối tượng mà thầy
nghiên cứu.
Đương nhiên, bên cạnh tình yêu nghề, còn có cả tình yêu người. Tôi nhớ
mãi không quên về các thầy cô cấp 1. Hồi trước khi tôi học, có một người bạn
trong lớp hay nghỉ học, bạn đó lớp hơn chúng tôi một tuổi vì bạn đó ở lại một
năm. Một lần, cô gọi bạn đó lên hỏi nguyên nhân, bạn đó nói phải ở nhà đẩy
nước, mỗi xe nước lúc đó bạn đẩy được 500 đồng. Lúc đó, cô rưng rưng, cô nói cô
chỉ yêu cầu bạn đi học đầy đủ vì lúc đó là thời điểm lớp 5 lên lớp 6. Nếu bạn
thiếu tiền, mỗi ngày bạn đi học cô sẽ cho bạn 2000 đồng. Lúc đó, mắt tôi cảm
thấy cay cay.
Còn năm lớp 3, ở trường có chọn tôi và một số bạn để đi thi cuộc thi gì đó
tôi không nhớ rõ. Trường cũng tuyển ra các giáo viên giỏi trong khối về các môn
toán, văn để dạy cho chúng tôi. Cô chủ nhiệm của tôi thì không nằm trong danh
sách các giáo viên dạy kèm, nhưng cô vẫn hỏi chúng tôi về thời gian rảnh, và cô
sắp xếp để đến nhà cô học. Nhà cô nhỏ, trước nhà có 1 cây mận, trong nhà cô kê
một cái bàn với 4, 5 cái ghế đủ cho chúng tôi ngồi học. Cô chỉ ôn cho chúng tôi
về toán, mỗi tối từ 7 giờ đến 9 giờ sau khi cô đã lo cơm nước cho chồng con.
Buổi cuối cùng cô dạy, cô đã tặng cho tôi quyển sách toán, đó là một quyển sách
cũ, được giữ gìn cẩn thận…
Để là một nhà giáo, ngoài kiến thức ra, tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là
cái tâm, cái tâm đó thể hiện qua tình yêu người, yêu nghề. Có tình yêu người, yêu
nghề, chúng ta mới có được sự hứng thú khi đứng trên bục giảng, mới có động lực
để vượt qua mọi khó khăn trong công việc, mới có được cái tâm của một nhà giáo
chân chính.
Trong quá trình tôi học cao học, tôi có làm việc với thầy Phúc. Thầy cộng
tác nhiều với các bệnh viện, bên cạnh đó, thầy còn là một người đầy nhiệt tình
và vui tính. Thầy có nói với chúng tôi rằng nếu mấy em muốn đoạt giải nobel,
thì giờ hãy về nghiên cứu tiểu sử của các nhà khoa học từng đoạt giải nobel
trong lĩnh vực các em quan tâm. Hầu như các nhà khoa học đoạt giải nobel đều
hiểu rõ, nhiều khi thuộc lòng tiểu sử của các người đi trước trong lĩnh vực.
Thầy nói vui vui, nhưng điều đó chính là sự thật.
Khi muốn làm một điều gì đó, chúng ta phải hiểu rõ đối tượng mà chúng ta
làm việc, cái đích mà chúng ta hướng đến. Để hiểu về các điều đó, thì chúng ta
phải nghiên cứu, tiếp xúc. Từ trước đến nay, vì lý do này hay lý do khác, tôi
có cơ hội tiếp xúc nhiều với các thầy, các cô, chính điều đó khiến tôi hiểu
phần nào về họ, và khi hiểu về họ, tôi muốn được như họ.
Ba của bạn tôi, một nhà giáo lâu năm. Có một giai đoạn mà nghê nhà giáo
không đủ sống “làm thầy giáo phải tháo cả giày, lấy giáo án mà dán áo”, bác vẫn
đùa như vậy. Quá trình trước đây khi bác giảng dạy những năm đầu khi đất nước
độc lập chỉ có thể miêu tả bằng hai từ: “khổ lắm”. Nghề nhà giáo là nghề chính,
nhưng công việc kiếm sống chính lại là thọc tiết heo và lên rừng lấy mây về đan
gióng, và tất cả những công việc mà người khác thuê làm. Hiện nay bác vẫn ở Phú
Yên, vẫn lên rừng, lấy mây, đan gióng… nhưng không còn giảng dạy nữa vì bác đã
về hưu.
Khi nghĩ về những người thầy, người cô mà tôi đã tiếp xúc, tôi thấy mình
thật nhỏ bé trước sự cao thượng, trước sự đóng góp, trước tình yêu của họ. Tôi
khát khao muốn được như họ, muốn đứng trên bục giảng, đóng góp, đào tạo ra
những con người, theo dõi sự thành công của những người mình giúp đỡ, nhận được
sự quan tâm, tôn trọng từ họ, những nụ cười, những lời chào trên con đường tôi
bước đi…
Có lẽ, phương pháp để có được sự hứng thú, tình yêu người, yêu nghề chính
là không ngừng tiếp xúc, tìm hiểu về những nhà giáo mà mình kính trọng, không
ngừng làm việc, quan tâm với học viên mà mình giảng dạy. Chính những phản hồi từ
họ sẽ tạo cho ta động lực, hứng thú để tiếp tục vững bước trên con đường giảng
dạy.
“Trọng thầy mới được làm thầy”
Hứng thú của người dạy chỉ có thể có được thông qua tình yêu nghề, yêu
người. Để có được tình yêu đó, theo tôi cần được tích góp qua quá trình chúng
ta tiếp xúc với những nhà giáo chân chính, qua cuộc đời, sự đóng góp, qua tư
tưởng của họ; qua quá trình đứng lớp, giảng dạy, làm việc với học viên, qua sự
thành công của những người mà chúng ta đào tạo, qua sự quý trọng mà họ dành cho
ta…
Xin gửi đến các thầy cô đã dạy dỗ tôi.
Tp.Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 6 năm 2015
Liên Quốc Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã phản hồi, xin bạn không dùng lời lục tĩu, không bàn về tôn giáo, chính trị và các vấn đề nhạy cảm khác. Xin chân thành cảm ơn.