Một nhà hùng biện đầy hài hước với những ý tưởng vô cùng thú vị và không kém phần điên rồ nhưng lại cực kì gần gũi với thực tế: George Carlin
07 tháng 10, 2015
21 tháng 9, 2015
Đại tuyệt chủng - Mass Extinctions
Đại tuyệt chủng là sự kiện mà trong một khoảng thời gian xác định, tốc độ tuyệt chủng các loài gia tăng đáng kể, khiến cho sau mỗi lần đại tuyệt chủng xảy ra, có 50% hoặc hơn số loài sinh vật biến mất vĩnh viễn khỏi vũ đài lịch sử.
Trong lịch sử hơn 4,6 tỷ năm của trái đất, có cả thảy 5 lần đại tuyệt chủng lớn (trước 550 triệu năm trước các loài SV chưa xuất hiện nhiều nên không xảy ra các cuộc đại tuyệt chủng).
1. Tuyệt chủng Ordovic - Silur
Đây là cuộc Đại Tuyệt chủng đầu tiên, xảy ra cách đây 440 - 450 triệu năm. Trong giai đoạn này có nhiều cuộc tuyệt chủng liên tiếp xảy ra tiêu diệt 17% số họ, 50% số chi và được coi là cuộc tuyệt chủng lớn thứ hai trong lịch sử nếu tính theo số loài bị tiêu diệt.
Vào kỷ Ordovic, khoảng 49% các chi động vật biển đã biến mất hoàn toàn khi cuộc tuyệt chủng kết thúc, các ngành động vật khác cũng suy giảm đi nhiều. Đến nay, giả thuyết về nguyên nhân cuộc tuyệt chủng được chấp nhận nhiều hơn cả là vụ nổ tia gamma của một ngôi sao gần Trái đất làm cho carbon dioxide trong khí quyển sụt giảm mạnh. Điều này đã ảnh hưởng tới Trái đất, tạo ra một thời kỳ băng hà kéo dài 0,5 - 1,5 triệu năm.
Sự tăng giảm của mực nước biển qua các kỷ băng hà liên tiếp theo chu kì đã tạo nên nhiều “hốc sinh thái” trên lục địa. Sự đa dạng sinh học suy giảm dần, đặc biệt các loài có môi trường sống bị hạn chế ở vùng thềm lục địa và nhiệt đới cũng chịu ảnh hưởng lớn.
Vào thời gian kết thúc, sông băng tan chảy đã làm cho mực nước biển dâng lên. Từ đây, các bộ, họ còn sống sót bắt đầu hồi phục, cùng với đó, sự đa dạng sinh học sẽ gia tăng, mở ra một kỷ mới.
2. Tuyệt chủng Devon
Đã có những bằng chứng khảo cổ cho thấy, đây là cuộc tuyệt chủng liên hoàn có thể đã kéo dài đến 20 triệu năm. Cuộc tuyệt chủng bắt đầu cách đây khoảng 360 triệu năm, ngay trước thời điểm chuyển giao giữa kỷ Devon sang kỷ Cacbon.
Trước lúc bước vào cuộc tuyệt chủng, lục địa là mảnh đất của thực vật bậc thấp và những loài côn trùng đầu tiên, còn đại dương là nơi có các rạn san hô khổng lồ chiếm ưu thế và sự tiến hóa mạnh mẽ của các loài cá đang diễn ra.
Theo nhà cổ sinh học McLaren, một thiên thạch có đường kính lớn đã va chạm với Trái đất, gây nên những đợt sóng thần, tàn phá hệ sinh thái bờ biển, đồng thời gây xáo trộn các tầng biển sâu.
Một nguyên nhân khác là sự phát triển mạnh mẽ của thực vật đã làm giảm CO2, khiến khí hậu trở nên lạnh hơn, nhiều sinh vật không thích nghi được đã bị tiêu diệt.
Các sinh vật biển là nạn nhân chủ yếu: những rạn san hô - ngôi nhà của sinh vật biển chết hàng loạt kéo theo sự tuyệt chủng của rất nhiều loài. Ước tính có khoảng 19% số họ, 50% số chi và 70% số loài đã bị tuyệt diệt trong cuộc tuyệt chủng này.
3. Tuyệt chủng Permi - Trias
Đây là sự kiện tuyệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử khi đã tuyệt diệt phần lớn sinh vật trên Trái đất, thiết lập lại gần như toàn bộ hệ thống sinh giới. Các nhà cổ sinh cho biết đã có đến hơn 90% sinh vật biển và 70% sinh vật trên cạn đã bị xóa sổ hoàn toàn.
Các bằng chứng khảo cổ cho thấy, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do sự vận động kiến tạo mạnh mẽ của lớp vỏ Trái đất, gây nứt gãy, dồn nén các mảng lục địa.
Sự phun trào magma lên bề mặt Trái đất đã nhấn chìm tất cả trong biển lửa. Bên cạnh đó, bụi và khí carbonic tràn ngập không khí, gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Dưới đại dương, các dòng hải lưu thay đổi đã làm biến mất nhiều hệ sinh thái, sự sống trở nên vô cùng mong manh.
Một nguyên nhân nữa được cho là góp phần gây ra vụ đại tuyệt chủng đẫm máu này là sự va chạm của thiên thạch có bán kính 500km với Trái đất. Vết tích của vụ va chạm này được tìm thấy ở Nam Cực năm 2006 bởi các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ.
Phải mất một thời gian rất lâu sau đó, sự sống mới được khôi phục lại dần dần từ những sinh vật nhỏ may mắn sống sót trong đó có một số nhóm bò sát.
4. Tuyệt chủng Trias - Jura
Đây là cuộc tuyệt chủng đánh dấu ranh giới giữa kỷ Trias và kỷ Jura, xảy ra cách đây 199,6 triệu năm. Cuộc Đại Tuyệt chủng này có tác động sâu sắc đến đời sống sinh vật trên đất liền và trong lòng đại dương.
Nhiều loài động vật có xương sống trong đại dương và bò sát biển đã biến mất, ngoại trừ thằn lằn cá, thằn lằn chân chèo. Các động vật không xương như ngành tay cuốn, ngành thân mềm, lớp lưỡng cư và đặc biệt là bò sát phụ lớp thằn lằn cổ (trừ khủng long) ở đất liền cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khoảng 23% số họ, 48% số chi đã bị tuyệt chủng.
Người ta vẫn chưa chắc điều gì đã gây ra sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Tam Điệp. Các nhà khoa học dự đoán, một hiện tượng phun trào núi lửa lớn đã xảy ra. Tuy nhiên gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra khá chính xác khoảng thời gian cuộc tuyệt chủng diễn ra và vụ va chạm của sao băng tạo nên hồ Manicouagan (Canada). Bằng chứng này chứng minh, có thể chính vụ va chạm là nguyên nhân trực tiếp khơi mào cuộc tuyệt chủng này.
Sự kiện tuyệt chủng đã loại bỏ nhiều loài động vật lớn trên Trái đất, tạo điều kiện cho khủng long thống trị hành tinh suốt kỷ Jura và kỷ Phấn Trắng (Creta). Khủng long làm chủ toàn bộ mặt đất, trong khi đó các vùng nước ngọt là địa phận của tổ tiên loài cá sấu ngày nay (thuộc lớp phụ thằn lằn), nhóm thằn lằn cổ rắn và thằn lằn cá trở thành bá vương biển cả.
Tuy nhiên, khi thời đại của bò sát đang vô cùng thịnh vượng thì Trái đất gặp thảm họa tiếp theo - cuộc đại tuyệt chủng Creta - Paleogen.
5. Tuyệt chủng Creta - Paleogen
Sự kiện tuyệt chủng này xảy ra vào cuối kỷ Creta cách đây khoảng 66,5 triệu năm, đánh dấu sự kết thúc của Đại Trung sinh và bắt đầu Đại Tân sinh bằng kỷ Paleogen. Khoảng 17% số họ, 50% số chi và 75% số loài đã bị tuyệt chủng sau biến cố này.
Dựa trên các bằng chứng khảo cổ được tích lũy qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, sự kiện tuyệt chủng này là do một hoặc nhiều thảm họa đồng thời gây ra, như sự tác động mạnh mẽ của các thiên thạch (tạo nên các hố Chicxulub ở Mexico, Boltysh ở Ukraina) hoặc do mực nước biển tụt xuống, núi lửa phun trào mạnh mẽ tạo ra hiện tượng “bẫy Deccan” tàn phá nghiêm trọng sinh quyển Trái đất.
Các sự kiện địa chất đó đã làm giảm lượng ánh sáng và mức độ quang hợp, dẫn đến sự phá hủy hệ sinh thái Trái đất trên quy mô lớn. Khí hậu khô hơn, chuỗi thức ăn cũng bị phá vỡ.
Khủng long là loài động vật có xương sống bị ảnh hưởng đầu tiên khi môi trường thay đổi, sự đa dạng loài giảm đáng kể. Cùng với đó, một số loài thực vật, động vật không xương sống cũng biến mất trên Trái đất, tạo điều kiện cho lớp thú phát triển và dần chiếm ưu thế.
Cuộc tuyệt chủng kỷ Creta - Paleogen mang tính chất không đồng đều. Có những sinh vật bị tuyệt chủng hoàn toàn, một số khác chịu ảnh hưởng nặng nề, số còn lại hầu như không chịu tác động đáng kể nào.
6. Liệu có xuất hiện một cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6?
Tất cả các cuộc tuyệt chủng trong lịch sử đều do thiên nhiên gây ra, diễn ra có tính chu kỳ. Mỗi sự sụp đổ đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, tạo điều kiện phát triển cho nhiều sinh vật có sức sống mạnh mẽ. Câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra là, liệu cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 có xuất hiện?
Và thực tế, nó đang có dấu hiệu manh nha bắt đầu… Lần này không phải do thiên nhiên nữa, mà chính con người đang tiến hành cuộc “tự sát”. Sẽ không phải là núi lửa phun trào, thiên thạch va chạm, mực nước biển thay đổi đột ngột, mà là ô nhiễm môi trường, suy thoái sinh cảnh, mất cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu…
Tốc độ tuyệt chủng hiện nay nhanh gấp 4.000 lần thời kì khủng long, mọi tác động của con người đều để lại hậu quả nặng nề cho thiên nhiên, khó có thể phục hồi lại. Việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên mà không bảo tồn, gìn giữ đã làm mất dần đi sự sống của toàn bộ sinh giới.
Các nhà khoa học dự đoán, nếu tình hình vẫn tiếp tục tiếp diễn, chưa đầy một thế kỷ nữa, cuộc tuyệt chủng hàng loạt sẽ chính thức bắt đầu, con người rồi sẽ chịu chung số phận với những loài khủng long. Nhưng liệu, sau cuộc tuyệt chủng đó, con người có may mắn sống sót và sự sống được khôi phục lại hay không?
Sưu tầm từ nhiều nguồn, nhiều tài liệu
Thuyết nội cộng sinh - Endosymbiosis
Ty thể và lạp thể là 2 cấu trúc có vai trò vô cùng quan trọng trong tế bào nhân thực: ty thể có chức năng hô hấp tế bào, sử dụng oxy để tạo các chất hữu cơ cao năng ATP dự trữ năng lượng cho tế bào (TB); lạp thể có chức năng quang hợp, tổng hợp chất hữu cơ và oxy từ CO2 và nước nhờ năng lượng ánh sáng mặt trời.
Tuy nhiên, nguồn gốc của ty thể và lạp thể từ đâu? Ban đầu TB nhân sơ thông qua quá trình biến đổi màng sinh chất tạo thành màng nhân và mạng lưới nội chất, ta tạm gọi đó là TB có nhân và mạng lưới nội chất.
Với thuyết nội cộng sinh, các nhà khoa học cho rằng trong quá trình tiến hóa từ tế bào nhân sơ lên tế bào nhân thực, TB có nhân và mạng lưới nội chất đã vô tình nuốt phải các TB nhân sơ tiền thân của ty thể, lạp thể. Sau đó, các cấu trúc này tồn tại bên trong và qua quá trình tiến hóa, đã trở thành ty thể, lạp thể ngày nay.
Do tất cả các TB đều có ti thể, chỉ một số có lạp thể nên có thể ti thể nội cộng sinh trước lạp thể. Có nhiều bằng chứng ủng hộ thuyết nội cộng sinh của ti thể và lạp thể như: ty thể, lạp nhân đôi giống với cách một số SV nhân sơ phân chia; chúng chứa DNA vòng giống NST của vi khuẩn, ko liên kết với histone hay protein; ty thể, lạp thể có bộ máy phiên, dịch mã độc lập; ribosome của ti thể và lạp thể có kích thước, trình tự các nucleotide, nhạy cảm với kháng sinh, giống với ribosome của TB nhân sơ hơn so với TB nhân thực.
Sau đây là một đoạn flash miêu tả thuyết nội cộng sinh của ty thể, lạp thể
Liên Quốc Đạt
13 tháng 9, 2015
Ngũ thường với nhà giáo
Nho giáo của Trung Quốc là một trong những nền giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đối với đất nước ta. Với lịch sử phát triển hơn 3000 năm, Nho giáo có một tầm ảnh hưởng quan trọng đến lịch sử phát triển của Trung Quốc. Nó là công cụ để duy trì, củng cố chế độ phong kiến Trung Hoa, và cũng là công cụ Trung Quốc dùng để thôn tính, đồng hóa các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, các tư tưởng Nho gia đa phần không còn phù hợp, như Tam cương (quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng), Tam tòng (gông xiềng đối với người phụ nữ khi cuộc đời người phụ nữ phải gắn liền với người cha, người chồng, người con)… nhưng trong đó, Ngũ thường vẫn mãi là một nét son của Nho gia mà chúng ta nên học hỏi.
Theo Nho gia, Ngũ thường là 5 cái đức cơ bản mà một con người nên có, đó là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Hiện nay, trong tình trạng đạo đức xã hội ngày càng đi xuống bởi nhiều ảnh hưởng tiêu cực, có thể Ngũ thường chính là một trong những chìa khóa quan trọng giúp chúng ta cải thiện đạo đức xã hội hiện nay. Tôi không nói những điều quá sâu rộng, trong giới hạn bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập về vấn đề Ngũ thường đối với một Nhà giáo.
Đứng đầu Ngũ thường là chữ Nhân. Nhân hiểu một cách đơn giản là lòng yêu người. Qua lòng yêu người đó, mới có thể đối xử với người như đối xử với chính bản thân mình “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (điều gì không muốn thì đừng làm với người khác, điều muốn thì làm cho người khác, điều đạt được giúp người khác đạt được).
Trước đây chúng ta ai cũng đã từng học qua với các thầy cô. Có đôi khi chúng ta thất vọng vì các thầy cô không công bằng, thiếu sự quan tâm, thấu hiểu… chúng ta mong muốn các thầy cô chia sẻ nhiều hơn, giảng dạy sinh động hơn, tạo nhiều cơ hội hơn cho chúng ta thể hiện… Vậy sau này khi chúng ta đứng lớp, hãy nghĩ đến những gì chúng ta thích, không thích ở những thầy cô của chúng ta để có thể giúp đỡ những sinh viên, học viên như chúng ta đã từng. Chúng ta có được kinh nghiệm, kĩ năng, vậy hãy hướng dẫn những người mà chúng ta giảng dạy để họ cũng có được những kinh nghiệm, kĩ năng như ta. Đó chính là cách mà một Nhà giáo thể hiện chữ Nhân.
Bên cạnh chữ Nhân là chữ Nghĩa. Nếu Nhân là cách mà ta đối xử với mọi người thì Nghĩa là cái mà ta luôn phải răn bản thân. Việc nghĩa là việc đúng, việc hợp lẽ phải, việc nên làm. Chữ Nghĩa nói rất rộng, rất khó giải thích, muốn làm được chữ Nghĩa thì cơ bản là “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu có không dâm ô, nghèo khó không trộm cướp, uy quyền không khuất phục).
Là một Nhà giáo trong xã hội hiện nay, vấn đề để giữ được cái tâm, giữ cho bản thân luôn ngay thẳng có thể nói không dễ, cũng không khó. Tránh được các cám dỗ của đồng tiền; không thay đổi, không làm trái với lương tâm khi khốn khó; trước chức quyền, quan hệ vẫn làm đúng với nguyên tắc. Những điều nói ra tưởng như đơn giản, căn bản ấy thì muốn thực hiện được đòi hỏi ở người Thầy, người Cô không chỉ cái tâm ngay thẳng mà còn là bản lĩnh, là lòng tin, và cả lương tri…
Với giới hạn của bài viết, tôi chỉ có thể phân tích chữ Nhân và chữ Nghĩa mà không thể nói thêm nhiều về Lễ, Trí, hay Tín. Lễ là cần cho giáo dục, xưa đến nay chúng ta đều nói “Tiên học lễ, hậu học văn”. Là một Nhà giáo, chúng ta càng phải có tính mô phạm, càng phải làm gương cho người học, nên giữ Lễ là một điều tất yếu “khắc kỷ phục lễ vi nhân” (thông qua lễ thực hiện đức nhân).
Trí không chỉ gói gọn trong kiến thức, kĩ năng, trí nói rộng ra là sự hiểu biết. Hiểu biết điều gì đúng, điều gì sai, điều gì nên, không nên làm. Vì vậy, một người nếu không biết đúng sai, phải trái, thì người đó đã thiếu đi chữ Trí, khó mà sống được. Trí cần thiết cho cuộc sống, còn Tín lại là rường cột của tất cả các mối quan hệ trong xã hội. Người đạt được chữ Tín sẽ có được lòng tin của mọi người, nếu bất tín, thì lời nói không có giá trị, không ai nghe theo. Cả Trí và Tín đều cần cho một nhà giáo chân chính.
Có lẽ cho dù xã hội, thời đại có thay đổi thì Ngũ thường vẫn luôn có một giá trị nhất định. Nhiều người hoặc quên đi, hoặc không coi trọng nhưng Ngũ thường vẫn luôn tồn tại. Tôi xin nhấn mạnh Ngũ thường không phải là cái thước đo để chúng ta xét đoán hay phán xét một con người, mà nó là con đường, là cái đích để chúng ta đi theo, để chúng ta hướng tới.
Tp.Hồ Chí Minh 22 tháng 6 năm 2015
Liên Quốc Đạt
11 tháng 9, 2015
Đọc file PRC bằng Mobipocket reader và Kindle
Hiện nay, các sách ebook bên cạnh định dạng phổ biển pdf còn 1 loại định dạng nữa chính là prc.
Nếu như định dạng pdf thường được dùng để chia sẻ các tài liệu học thuật với nhiều biểu đồ, bảng biểu, hình ảnh thì định dạng prc thường được sử dụng với các thể loại sách, tiểu thuyết.
Đặc điểm nổi bật của sách định dạng prc chính là bạn có thể dễ dàng chỉnh sửa font chữ to nhỏ (không giống như pdf, không chỉnh được kích thước chữ, phải phóng to, thu nhỏ cả trang), và có thể đọc lại sách ngay tại thời điểm mình kết thúc (rất tiện lợi với các sách nội dung dài hàng ngàn chương, tiểu thuyết dài tập...).
Một điều tuyệt vời hơn nữa là các bạn có thể down app Kindle dành cho điện thoại để có thể xem các sách định dạng prc, khi đó, điện thoại của bạn sẽ thực sự trở thành một thư viện di động.
Trong blog này, các sách, tiểu thuyết tôi chia sẻ chủ yếu là định dạng prc, để có thể đọc được, các bạn nãy vào trang chủ của mobipocket reader và download chương trình về để xem (chỉ dùng cho máy tính).
Chúc các bạn tìm được những quyển sách hay và bổ ích.
Trang download phần mềm Mobipocket reader
Nếu các bạn muốn xem prc trên điện thoại, hãy down app Kindle về và cài đặt, sau đó chép các sách prc về và lưu vào folder Kindle (thường là ở trong /sdcard/Kindle/). Cuối cùng là thưởng thức các quyển sách.
Liên Quốc Đạt
Gửi đến các thầy cô đã và đang giảng dạy
Trong một lần thuyết trình nhóm, một thầy có đặt câu hỏi làm tôi suy
nghĩ mãi: “Điều gì tạo nên hứng thú của người giảng viên”.
Câu hỏi đó khiến tôi trăn trở. Trong quá trình làm việc, tôi có cơ hội được
tiếp xúc với rất nhiều người thầy, người cô. Mỗi người có một cá tính, một cách
dạy khác nhau, qua đó ảnh hưởng đến kết quả học tập của học viên khác nhau
nhưng sau câu hỏi của thầy, tôi nhận ra một điểm chung của các thầy cô: những
thầy cô giảng dạy với sự hứng thú, say mê thì việc truyền đạt kiến thức luôn
hiệu quả hơn các thầy cô khác.
Nếu như nói động lực là xăng, là năng lượng để các nhà giáo không ngừng
tiến lên trên con đường giảng dạy thì đối với tôi, hứng thú như là dầu nhớt, là
chất bôi trơn giúp cho các thầy cô vượt qua những khó khăn, mệt mỏi, luôn hoạt
động tích cực trong công tác giảng dạy.
Có người ví von các nhà giáo như người nghệ sĩ trên bục giảng. Quả thật
vậy, bên việc truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, người giảng viên còn là người
truyền cho các học viên, sinh viên của mình cảm hứng, tình yêu, sự say mê đối
với đối tượng nghiên cứu. Qua đó, sẽ giúp cho người học có được động lực, hứng
thú, sự tự giác trong học tập hay nghiên cứu. Nhưng nếu một người thầy mà không
có hứng thú với chính công việc giảng dạy của họ thì liệu họ có thể truyền được
hứng thú cho người mà họ dạy hay không?
Hứng thú đối với một người dạy vô cùng quan trọng. Tôi vốn là một người
ít nói, không thích giao tiếp nhiều. Nhưng một người thầy đã nói với tôi khi
tôi đứng trên bục giảng, tôi rất khác, có lẽ tôi phù hợp đi theo con đường nhà
giáo… Tôi luôn suy nghĩ về những lời thầy nói. Tôi từng trợ giảng, đứng lớp,
hướng dẫn sinh viên ngoài thực địa trong các công tác chuyên môn. Bên cạnh đó,
tôi còn mở các lớp hướng dẫn Origami, Clay craft và Paper craft… Đối với một
người hướng nội như tôi thì những điều đó không dễ chút nào nhưng tôi đã làm
được. Có lẽ chính là nhờ niềm say mê và hứng thú.
Trước khi còn là sinh viên tôi hoạt động trong phòng Động vật thuộc bộ
môn Sinh thái Tài nguyên Sinh vật của trường ĐH. Khoa học Tự nhiên Tp.HCM.
Trong quá trình đó, tôi đi theo các thầy cô, anh chị học viên cao học, nghiên
cứu sinh khắp các vườn Quốc gia khu vực cao nguyên và Tây Nam bộ nên tôi có có
hội tiếp xúc nhiều với các giảng viên, cán bộ không chỉ trong nhà trường mà còn
trong cuộc sống.
Các thầy, các anh đã chia sẻ với tôi rất nhiều điều. Tôi nhớ về anh Sơn,
lúc tôi làm việc với anh thì anh đang là học viên cao học, anh lúc đó chuẩn bị
đi giảng dạy ở một trường cao đẳng. Anh sau khi ra trường đã làm rất nhiều
việc, từ điều tra đa dạng sinh thái các cơ quan cho đến trưởng nhóm bán hàng
của các tổ chức. Với kiến thức, kinh nghiệm của anh thì tìm một việc làm để
kiếm sống là không khó, nhưng khó là tìm được một việc mà bản thân anh yêu
thích. Sau nhiều năm đi làm ở bên ngoài, cuối cùng anh trở lại trường học lên
cao học và xin đi làm giảng viên. Anh nói vì anh thích công việc đi thực địa,
anh thích thiên nhiên, và anh thích giao tiếp với con người. Có lẽ, chính tình
yêu công việc đã đưa anh đến con đường giảng dạy, cũng như thầy…
Thầy Huy, thầy là người hướng dẫn cho tôi trong các năm đại học. Những
điều thầy chia sẻ rất nhiều, công việc, cuộc sống, nghiên cứu, tôn giáo… chính
những điều đó đã giúp tôi phát triển cái tâm, mở mang cái tầm. Trên hết, thầy
như là một đại diện cho hình ảnh của nhà giáo hiện đại: thân thiện, gần gũi,
quan tâm, nhiệt tình, và là chuyên gia trong lĩnh vực mà thầy nghiên cứu. Tôi
yêu thiên nhiên vì thầy yêu thiên nhiên, và thầy đã truyền tình yêu đó cho tôi
và các bạn. Làm việc với thầy, tôi cảm nhận thấy thầy thực sự hứng thú với công
việc, và chính sự say mê, hứng thú đó đã cuốn hút tôi, nó như là ngọn lửa, cháy
lên, lan tỏa. Nghe câu truyện về quá trình học tập, nghiên cứu của thầy, tôi
cảm nhận thấy trong đó là một sự không ngừng nỗ lực tiến lên, nhưng đằng sau sự
nỗ lực không ngừng đó chính là tình yêu với công việc, với đối tượng mà thầy
nghiên cứu.
Đương nhiên, bên cạnh tình yêu nghề, còn có cả tình yêu người. Tôi nhớ
mãi không quên về các thầy cô cấp 1. Hồi trước khi tôi học, có một người bạn
trong lớp hay nghỉ học, bạn đó lớp hơn chúng tôi một tuổi vì bạn đó ở lại một
năm. Một lần, cô gọi bạn đó lên hỏi nguyên nhân, bạn đó nói phải ở nhà đẩy
nước, mỗi xe nước lúc đó bạn đẩy được 500 đồng. Lúc đó, cô rưng rưng, cô nói cô
chỉ yêu cầu bạn đi học đầy đủ vì lúc đó là thời điểm lớp 5 lên lớp 6. Nếu bạn
thiếu tiền, mỗi ngày bạn đi học cô sẽ cho bạn 2000 đồng. Lúc đó, mắt tôi cảm
thấy cay cay.
Còn năm lớp 3, ở trường có chọn tôi và một số bạn để đi thi cuộc thi gì đó
tôi không nhớ rõ. Trường cũng tuyển ra các giáo viên giỏi trong khối về các môn
toán, văn để dạy cho chúng tôi. Cô chủ nhiệm của tôi thì không nằm trong danh
sách các giáo viên dạy kèm, nhưng cô vẫn hỏi chúng tôi về thời gian rảnh, và cô
sắp xếp để đến nhà cô học. Nhà cô nhỏ, trước nhà có 1 cây mận, trong nhà cô kê
một cái bàn với 4, 5 cái ghế đủ cho chúng tôi ngồi học. Cô chỉ ôn cho chúng tôi
về toán, mỗi tối từ 7 giờ đến 9 giờ sau khi cô đã lo cơm nước cho chồng con.
Buổi cuối cùng cô dạy, cô đã tặng cho tôi quyển sách toán, đó là một quyển sách
cũ, được giữ gìn cẩn thận…
Để là một nhà giáo, ngoài kiến thức ra, tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là
cái tâm, cái tâm đó thể hiện qua tình yêu người, yêu nghề. Có tình yêu người, yêu
nghề, chúng ta mới có được sự hứng thú khi đứng trên bục giảng, mới có động lực
để vượt qua mọi khó khăn trong công việc, mới có được cái tâm của một nhà giáo
chân chính.
Trong quá trình tôi học cao học, tôi có làm việc với thầy Phúc. Thầy cộng
tác nhiều với các bệnh viện, bên cạnh đó, thầy còn là một người đầy nhiệt tình
và vui tính. Thầy có nói với chúng tôi rằng nếu mấy em muốn đoạt giải nobel,
thì giờ hãy về nghiên cứu tiểu sử của các nhà khoa học từng đoạt giải nobel
trong lĩnh vực các em quan tâm. Hầu như các nhà khoa học đoạt giải nobel đều
hiểu rõ, nhiều khi thuộc lòng tiểu sử của các người đi trước trong lĩnh vực.
Thầy nói vui vui, nhưng điều đó chính là sự thật.
Khi muốn làm một điều gì đó, chúng ta phải hiểu rõ đối tượng mà chúng ta
làm việc, cái đích mà chúng ta hướng đến. Để hiểu về các điều đó, thì chúng ta
phải nghiên cứu, tiếp xúc. Từ trước đến nay, vì lý do này hay lý do khác, tôi
có cơ hội tiếp xúc nhiều với các thầy, các cô, chính điều đó khiến tôi hiểu
phần nào về họ, và khi hiểu về họ, tôi muốn được như họ.
Ba của bạn tôi, một nhà giáo lâu năm. Có một giai đoạn mà nghê nhà giáo
không đủ sống “làm thầy giáo phải tháo cả giày, lấy giáo án mà dán áo”, bác vẫn
đùa như vậy. Quá trình trước đây khi bác giảng dạy những năm đầu khi đất nước
độc lập chỉ có thể miêu tả bằng hai từ: “khổ lắm”. Nghề nhà giáo là nghề chính,
nhưng công việc kiếm sống chính lại là thọc tiết heo và lên rừng lấy mây về đan
gióng, và tất cả những công việc mà người khác thuê làm. Hiện nay bác vẫn ở Phú
Yên, vẫn lên rừng, lấy mây, đan gióng… nhưng không còn giảng dạy nữa vì bác đã
về hưu.
Khi nghĩ về những người thầy, người cô mà tôi đã tiếp xúc, tôi thấy mình
thật nhỏ bé trước sự cao thượng, trước sự đóng góp, trước tình yêu của họ. Tôi
khát khao muốn được như họ, muốn đứng trên bục giảng, đóng góp, đào tạo ra
những con người, theo dõi sự thành công của những người mình giúp đỡ, nhận được
sự quan tâm, tôn trọng từ họ, những nụ cười, những lời chào trên con đường tôi
bước đi…
Có lẽ, phương pháp để có được sự hứng thú, tình yêu người, yêu nghề chính
là không ngừng tiếp xúc, tìm hiểu về những nhà giáo mà mình kính trọng, không
ngừng làm việc, quan tâm với học viên mà mình giảng dạy. Chính những phản hồi từ
họ sẽ tạo cho ta động lực, hứng thú để tiếp tục vững bước trên con đường giảng
dạy.
“Trọng thầy mới được làm thầy”
Hứng thú của người dạy chỉ có thể có được thông qua tình yêu nghề, yêu
người. Để có được tình yêu đó, theo tôi cần được tích góp qua quá trình chúng
ta tiếp xúc với những nhà giáo chân chính, qua cuộc đời, sự đóng góp, qua tư
tưởng của họ; qua quá trình đứng lớp, giảng dạy, làm việc với học viên, qua sự
thành công của những người mà chúng ta đào tạo, qua sự quý trọng mà họ dành cho
ta…
Xin gửi đến các thầy cô đã dạy dỗ tôi.
Tp.Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 6 năm 2015
Liên Quốc Đạt
Wildlife conservation
Mọi người hãy chung tay góp sức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các loài động vật hoang dã, cũng là bảo vệ tương lai cho con em chúng ta.
Liên Quốc Đạt
10 tháng 9, 2015
The Ending Dreams
"Cuộc đời anh ta là một thanh gươm của niềm tin và tự hào.
Cuộc đời anh ta tin vào lý tưởng của ánh sáng
Để rồi
Bị chính lý tưởng của mình phản bội
Anh chiến đấu vì dân tộc của mình
Nhưng những gì anh có chỉ là sự thờ ơ
Anh bị bỏ rơi trong màn tuyết lạnh của vùng đất băng giá
Thanh gươm gọi anh
Nó gọi anh từ nơi sâu thẳm nhất của linh hồn
Nó nguyền rủa trái tim anh
Để cho linh hồn anh ngủ quên trong nơi sâu thẳm băng giá
Nhưng tại sao....
Anh bước đi trong vô vọng
Anh tìm kiếm lý tưởng của riêng mình
Anh tìm ra con đường đế vương của thế giới
Nhưng tại sao..."
Đây là bộ tiểu thuyết được một fan Dota Việt Nam viết dựa trên các nhân vật trong game. Với thể loại Light Novel, nhiều mẩu truyện khác nhau về cuộc đời các nhân vật đã vẽ nên một bức tranh đầy đủ, sống động, với nhiều sự hy sinh, tình yêu, tình đồng đội và cũng thật nhiều nước mắt...
Mật mã Tây Tạng
"Công nguyên năm 838, vị vua cuối cùng của dân tộc Thổ Phạn là Lãng Đạt Ma lên ngôi Tán Phổ, tuyên bố diệt Phật. Trong cuộc tàn sát ấy, các tăng lữ đã mang một lượng lớn kinh điển và thánh vật đi chôn giấu tại một nơi bí mật, ở đó họ dựng lên một ngôi thần miếu, đặt tên là Bạc Ba La. Thời gian dần trôi, chiến tranh không dứt, ngôi thần miếu ẩn chứa biết bao báu vật Phật gia đã hoàn toàn biến mất trong lớp bụi lịch sử…"
Với bối cảnh hiện đại, câu truyện xoay quay các chủ đề Tạng Ngao, Phật giáo Tây Tạng, các chuyến phiêu lưu, thám hiểm, và nhiều bí mật của các nền văn minh cổ xưa.
Câu truyện cho ta thấy trí tuệ tuyệt vời của cổ nhân qua các chức nghiệp bí ẩn được lưu truyền lại như thao thú sư, thao trùng sư, vu cổ sư... và các cơ quan, kiến trúc còn lưu lại khắp nơi trên thế giới
Câu truyện còn cho ta thấy những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp như tình bạn, tình đồng đội, tình yêu... không phải chỉ giữa người với người, mà còn với cả loài vật.
Câu truyện đã đem đến cho tôi những phút giây tuyệt vời, những nụ cười, và cả nước mắt... Đây là món quà tinh thần tôi muốn gửi đến cho các bạn.
Download tại đây
Liên Quốc Đạt
10 Nghịch Lý Cuộc Sống
"Cuộc sống chúng ta luôn có những nghịch lý - những người bản lĩnh và cao thượng luôn biết chấp nhận và vượt lên những nghịch lý đó.
Tác phẩm nổi tiếng Anyway - 10 nghịch lý cuộc sống của Tiến sĩ Kent Keith đã trở thành một cuốn sách kinh điển và được bạn đọc trên thế giới yêu thích về sự độc đáo và thẳng thắn về trải nghiệm cuộc sống. Cuốn sách liên tục được bình chọn là một trong những tác phẩm bán chạy nhất nhiều năm liền và đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ.
Điểm đặc biệt nhất của Anyway chính là ý nghĩa sâu sắc và thực tế của tác phẩm đã tác động đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau, mang lại những khoảng lặng cần thiết để suy nghĩ về một cách sống cao thượng và hế mình. Tác giả Kent Keith chính là một minh chứng cụ thể và xác thực cho cách sống này. Ông đã viết và dành cả cuộc đời mình để chứng minh cho những chân lý đó.
Download tại đây
Sưu tầm
09 tháng 9, 2015
Tôn Tử binh pháp
Binh pháp Ngô Tôn Tử là sách chiến lược chiến thuật tiếng Hoa do Tôn Vũ soạn thảo vào năm 512 TCN đời Xuân Thu, không chỉ đặt nền móng cho binh học truyền thống, mà còn sáng tạo nên một hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Bởi vậy Binh pháp Tôn Tử được tôn xưng là Tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại. Đây được xem là một trong những binh thư kinh điển trong lịch sử quân sự thế giới. Mặt khác, tuy là một bộ binh thư, nhưng tầm ảnh hưởng của Binh pháp Tôn Tử lại không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự, mà còn có thể áp dụng vào những lĩnh vực khác như kinh tế học, thể dục thể thao, khoa học,…
Ngoài ra, Tôn Tử binh pháp cũng được áp dụng trong giới kinh doanh và chiến lược.
Download tại đây
Sưu tầm
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)